
1. Kiên trì điều trị bệnh mãn tính
– Điều trị tấn công để giảm bớt các triệu chứng bệnh và giảm đau.
– Điều trị duy trì giúp ổn định tình trạng bệnh để bệnh không tiến triển nặng thêm.
– Điều trị củng cố giúp phục hồi chức năng và cải thiện tình trạng bệnh hoặc xử lý các diễn biến phát sinh theo thời gian.
– Khi điều trị bệnh mãn tính, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc sau: Không tự ý bỏ thuốc, bỏ điều trị, không tự ý sử dụng thuốc, không nản lòng dù bệnh khó chữa.
2. Hiểu rõ về bệnh mãn tính của mình
Kiến thức về căn bệnh sẽ giúp bạn luôn ở tâm thế chủ động khi chung sống lâu dài với bệnh mãn tính. Ngay từ khi mới mắc bệnh, bạn hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ về căn bệnh của mình như những triệu chứng có thể gặp phải, biện pháp điều trị, chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi khi bị bệnh.
Bạn có thể trao đổi với bác sĩ, chuyên gia chăm sóc sức khỏe và những người cũng mắc bệnh như mình và thường xuyên cập nhập mọi tin tức về bệnh của mình để nắm bắt các cơ hội chữa bệnh mới.
3. Dùng thuốc giảm đau nghiêm túc
Khi sử dụng thuốc giảm đau, bạn nên tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng, thời điểm uống và uống trong thời gian bao lâu.
Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc giảm đau hoặc các thực phẩm chức năng, dược phẩm chưa rõ xuất xứ để sử dụng.
4. Lắng nghe và kết nối với cơ thể của mình
Mỗi ngày chúng ta hãy dành thời gian để lắng nghe, yêu thương, biết ơn và cảm nhận cơ thể.
5. Thiền định
Thở sâu và thiền định là phương pháp giúp cơ thể thư giãn và giảm đau hiệu quả, giảm căng thẳng, stress. Việc tập trung vào hơi thở, để tâm trí ở trạng thái không suy nghĩ và lặp lại một từ nào đó sẽ gửi tín hiệu thư giãn tới các cơ. Mặc dù bạn có thể tự học cách thiền định ở nhà nhưng tham gia một lớp dạy thiền cũng giúp ích rất nhiều.
6. Tập thể dục, yoga, khí công
Tập thể dục giúp cơ thể tiết ra endorphin – một loại hormone được tiết ra giúp cải thiện tâm trạng và ngăn chặn tín hiệu đau, nhờ đó giúp giảm đau hiệu quả.
Người bị bệnh mãn tính nên tập thể dục sao cho thích hợp với tình trạng sức khỏe và các bệnh lý mình mắc phải. Bạn nên tránh tập luyện quá sức để ngăn ngừa chấn thương và hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn cách tập luyện phù hợp nhé!
7. Các phương pháp vật lý trị liệu
Massage, châm cứu, các phương pháp vật lý trị liệu cũng giúp giảm đau rất hiệu quả. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ cũng như thực hiện tại các cơ sở có chuyên môn và uy tín.
8. Ăn uống lành mạnh và cân đối
Chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh là vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Dinh dưỡng giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kiểm soát cân nặng và cải thiện hàm lượng đường trong máu.
Ăn nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn đóng hộp. Ngoài ra, bạn không nên hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất kích thích. Các chất kích thích này có thể làm bệnh mãn tính và các cơn đau do bệnh thêm trầm trọng.
9. Xây dựng lối sống hàng ngày khoa học phù hợp với cơ thể của mình:
Ngủ sớm, tốt nhất trước 23h; Không gội đầu đêm. Tốt nhất trước 18h; Hạn chế sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ; Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, giải trí; Giữ tinh thần thoải mái, biết từ chối các áp lực quá mức; Xây dựng 1 lịch hàng ngày cụ thể và kiên trì thực hiện.
10. Kết nối và chia sẻ với mọi người
Dành thời gian cho mình và cho gia đình, bạn bè.
Kết nối những người bị bệnh mãn tính giống bạn để hiểu những khó khăn và những cơn đau bạn đang phải trải qua. Khi gặp gỡ và chia sẻ với họ, bạn sẽ cảm thấy bớt cô đơn và có thêm những bí quyết riêng giúp bạn đối mặt với những cơn đau do bệnh mãn tính.
Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với một chuyên gia về sức khỏe tinh thần khi mắc bệnh mãn tính. Những tư vấn từ các chuyên gia có thể giúp bạn tránh những suy nghĩ tiêu cực và đối diện với thời gian khó khăn một cách nhẹ nhàng hơn, từ đó giúp giảm đau và sống tích cực hơn.