
Phong cách lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo là mẫu hành vi mà người lãnh đạo lựa chọn nhằm tác động một cách có hiệu quả đến đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ lãnh đạo đã đề ra. Có các phong cách lãnh đạo như sau:
1. Phong cách lãnh đạo độc đoán:
Người lãnh đạo sử dụng phong cách này tập trung quyền lực, nắm bắt tất cả các quan hệ và thông tin. Các quyết định, mệnh lệnh đưa ra chỉ dựa trên cơ sở kiến thức, khả năng, kinh nghiệm của người lãnh đạo, không quan tâm ý kiến người dưới quyền, buộc cấp dưới phải thực hiện một cách tập trung, chính xác, nghiêm ngặt. Bản thân người lãnh đạo trực tiếp kiểm tra việc thi hành của cấp dưới. Dòng thông tin trong tổ chức chỉ có một chiều từ trên xuống dưới.
Phong cách độc đoán có ưu điểm ở chỗ giải quyết nhanh chóng các nhiệm vụ và có thể phù hợp với những tổ chức mới thành lập, xong lại có hạn chế là thiếu dân chủ, không tranh thủ được trí tuệ, kinh nghiệm của cấp dưới, dễ tạo nên trạng thái bất bình, căng thẳng.
2. Phong cách lãnh đạo dân chủ:
Người lãnh đạo có phong cách này không quyết theo chủ quan của mình mà luôn mở rộng dân chủ, tranh thủ, động viên mọi người tham gia vào các quyết định quản lý và giải quyết các nhiệm vụ của đơn vị. Bản thân người lãnh đạo cũng biết phân quyền phù hợp, không ôm đồm. Công việc được phân công giải quyết, đánh giá đều có sự tham gia của tập thể. Dòng thông tin trong tổ chức tồn tại cả hai chiều: từ trên xuống và từ dưới lên.
Phong cách lãnh đạo dân chủ có ưu điểm là phát huy được trí tuệ, khả năng sáng tạo của cấp dưới, động viên được tính tích cực của mọi người khi thực hiện vì cấp dưới luôn nhận thấy rằng trong quyết định hay công việc đó có sự tham gia ý kiến của mình.
Phong cách này có hạn chế là dễ mất nhiều thời gian và nếu người lãnh đạo không nhanh chóng lựa chọn phương án tốt nhất sẽ dẫn đến bàn bạc kéo dài.
3. Phong cách lãnh đạo tự do:
Người lãnh đạo có phong cách này thường tham gia ít nhất vào công việc của tập thể, hầu như giao hết quyền hạn, trách nhiệm cho mọi người. Thông tin trong tổ chức được cung cấp hết cho mọi người và cho phép mọi người tự do hành động theo suy nghĩ, theo cách thức mà mình cho là tốt nhất.
Ưu điểm của phong cách này là phát huy tối đa khả năng của cấp dưới xong dễ dẫn đến tình trạng người lãnh đạo thiếu trách nhiệm; tình trạng hỗn loạn, vô chủ.
Phong cách lãnh đạo định hướng mục tiêu: chia 4 kiểu:
4. Phong cách chỉ đạo trực tiếp:
Giải thích cho cấp dưới về những gì mà người lãnh đạo mong đợi của họ. Người lãnh đạo đưa ra những chỉ dẫn, luật lệ, kế hoạch và tiêu chuẩn cụ thể.
5. Phong cách hỗ trợ:
Đối xử công bằng và thân thiện với những người cấp dưới trong khi theo đuổi sự hoàn thiện các hoạt động của họ. Quan tâm tới nhu cầu khuyến khích họ tạo ra bầu không khí hợp tác và thân thiện.
6. Phong cách tham gia:
Tham vấn với những người dưới quyền, theo đuổi những đề nghị của họ, quan tâm đặc biệt tới những đề nghị đó khi ra quyết định.
7. Phong cách lãnh đạo theo kết quả đạt được:
Đặt ra các mục tiêu cách thức và khuyến khích cấp dưới làm việc tốt và để thể hiện sự tin tưởng vào năng lực của nhóm.
Trên đây là các phong cách lãnh đạo ZenOneness tổng hợp, bạn có thể vận dụng một hay nhiều phong cách tuỳ điều kiện hoàn cảnh của mình và tổ chức! Chúc bạn thành công!