
1. Bệnh mãn tính là gì?
Theo định nghĩa của Trung tâm thống kê Y tế quốc gia Hoa Kỳ, bệnh mãn tính là một căn bệnh tồn tại trong thời gian dài, khoảng từ 3 tháng đến nhiều hơn 1 năm. Nhìn chung, các bệnh mạn tính không thể phòng ngừa được bằng vắc-xin hay chữa khỏi bằng thuốc, cũng không thể tự khỏi. Tuy nhiên bạn vẫn có thể sống chung với bệnh và kiểm soát các triệu chứng hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh cũng có thể trải qua các chu kỳ như phát triển nặng, được kiểm soát hoặc ổn định.
Bệnh mãn tính hiện nay là nguyên nhân tử vong và tàn tật chính trên thế giới. Các bệnh mãn tính không lây nhiễm chính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh đường hô hấp chiếm 57% trong 59 triệu tử vong hàng năm và 46% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
2. Những nhóm bệnh mãn tính:
– Ung thư.
– Suy thận mãn tính.
– Viêm gan mãn tính
– Bệnh nội tiết: béo phì, đái tháo đường…
– Bệnh lý tâm thần kinh: sa sút trí tuệ, trầm cảm…
– Bệnh tim mạch: tăng huyết áp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh mạch máu não…
– Bệnh tự miễn: lupus ban đỏ, xơ cứng bì, vẩy nến…
– Bệnh xương khớp mãn tính: viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, thoái hóa khớp, loãng xương…
– Hội chứng mệt mỏi mãn tính.
– Bệnh viêm đường hô hấp mãn tính: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mạn, hen và khí phế thũng…
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ liên quan đến các bệnh mãn tính
– Yếu tố xã hội: Các yếu tố xã hội bao gồm việc một cá nhân được sinh ra trong một gia đình nghèo hoặc một môi trường rủi ro. Theo WHO, những người ở các khu vực kinh tế xã hội thấp hơn có nhiều khả năng phát triển và tử vong vì các bệnh mãn tính.
– Các yếu tố về lối sống: Nói chung, các yếu tố góp phần lớn nhất liên quan đến các lựa chọn lối sống mà chúng ta thực hiện. Các hành vi gây hại cho sức khỏe – đặc biệt là sử dụng thuốc lá, ít hoạt động thể chất và thói quen ăn uống không lành mạnh – chính là những tác nhân chính hàng đầu gây ra các bệnh mãn tính. Ví dụ, những người hút thuốc hoặc uống rượu quá mức, có nhiều khả năng mắc bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Một lối sống ít vận động và lựa chọn thực phẩm kém cũng là những yếu tố nguy cơ quan trọng của nhiều bệnh mãn tính.
– Các yếu tố sinh học: Con người đang sống lâu hơn trước và điều này có nghĩa là có nhiều nguy cơ phát triển bệnh mãn tính khi chúng ta già đi. Điều này đặc biệt phù hợp với các bệnh thoái hóa như mất trí nhớ và Alzheimer. Ngoài ra còn có một số yếu tố di truyền liên quan đến bệnh tật như ung thư.
Xu hướng bệnh tật thế giới cũng như Việt Nam đang thay đổi, hiện nay các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, suy giảm chức năng gan đái tháo đường, ung thư ngày càng nhiều và gây tốn kém cho cá nhân và cộng đồng. Vậy, nguyên tắc chữa trị và ngăn ngừa bệnh ra sao?