
Đại dịch Covid-19 kéo dài trong hơn một năm qua đã gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nó khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải thay đổi cách vận hành để thích ứng cũng như tồn tại với thời cuộc. Đặc biệt, các hoạt động đầu tư về mảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được nhiều công ty ưu tiên đẩy mạnh như một bước đi khôn ngoan không chỉ trong thời buổi dịch bệnh mà còn cả trong tương lai.
“Chuyển đổi số” hay “Digital Transformation” có thể hiểu đơn giản là hoạt động doanh nghiệp sử dụng các công nghệ kỹ thuật số hiện đại nhằm thay đổi phương thức vận hành, bộ máy quản lý, mô hình kinh doanh và cách thức tiếp cận, giao tiếp, chăm sóc khách hàng. Chính phủ cũng đã đề ra “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với nhiều gói hỗ trợ tới 100.000 doanh nghiệp để thấy đây là một bước tiến dài hơi, chứ không chỉ là sự thích ứng nhất thời với tình hình Covid-19.
Một trong những hoạt động chuyển đổi số dễ thấy nhất ở các doanh nghiệp trong mùa dịch đó chính là chuyển giao từ loại hình kinh doanh truyền thống sang các nền tảng online như website, trang mạng điện tử hay trang mạng xã hội để thúc đẩy tăng trưởng doanh số. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới thì tại Việt Nam, các công ty thực hiện hoạt động chuyển đổi số trong hơn 6 tháng qua đã lên đến xấp xỉ 60%, tạo nên một xu hướng bùng nổ về việc “số hóa” doanh nghiệp.
Việc chuyển đổi số tất nhiên không hề mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng nó lại đang diễn ra với tốc độ bị coi là khá chậm. Nếu ngày trước, các công ty chủ yếu tập trung chuyển đổi số ở mảng cải thiện sản phẩm, quy trình làm việc và trải nghiệm của nhân viên thì Covid-19 đã tạo ra những thách thức thật sự khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng tốc trong hành trình số hóa toàn bộ bộ máy của mình để đáp ứng với nhu cầu của thời cuộc.
Khi cả thế giới phải đình trệ sản xuất, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, mọi người đều cần ở nhà tuân thủ giãn cách xã hội, nhân viên phải hạn chế đến công ty, nhu cầu tiêu dùng giảm xuống và khách hàng không thể trực tiếp mua sắm hay sử dụng dịch vụ, việc chuyển đổi số trở thành một hướng đi vô cùng hợp lý để các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ tiếp tục “tồn tại”. Đây sẽ là cách để các doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề “nhức nhối” từ việc đình trệ sản xuất, khó quản lý nhân viên cho đến việc phải đóng cửa các cơ sở kinh doanh vì dịch bệnh.