
30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000- 40.000 người. Số lượng người mắc bệnh này đang có chiều hướng gia tăng.
Trầm cảm là một căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới, với ước tính 3,8% dân số bị ảnh hưởng, bao gồm 5,0% ở người lớn và 5,7% ở người lớn trên 60 tuổi. Khoảng 280 triệu người bị trầm cảm.
Trầm cảm khác với những biến động tâm trạng thông thường và những phản ứng cảm xúc ngắn ngủi trước những thách thức trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt khi tái phát và với cường độ trung bình hoặc nặng, trầm cảm có thể trở thành một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Nó có thể khiến người bị ảnh hưởng bị tổn thương rất nhiều và hoạt động kém hiệu quả tại nơi làm việc, trường học và gia đình. Ở mức độ tồi tệ nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Hơn 700 000 người chết do tự tử mỗi năm. Tự tử là nguyên nhân thứ tư gây tử vong ở thanh thiếu niên 15-29 tuổi.
Đa số các vụ tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng được sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mãn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.
Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, nếu trước đây chỉ có khoảng 20-30 bệnh nhân đến khám/ngày thì những năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân đến khám ngày càng tăng. Có ngày viện tiếp nhận khoảng 300 lượt bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý, tâm thần, trong đó có rất nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi thanh – thiếu niên.
Ngày nay với rất nhiều yếu tố nguy cơ như áp lực cuộc sống tăng lên, sự phổ biến của các trò chơi trên mạng internet, của các chất ma túy, nhất là các chất ma túy tổng hợp… thì mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm cũng như các rối loạn tâm thần khác.
Ở lứa tuổi trẻ em thanh thiếu niên khi nhân cách chưa phát triển toàn diện dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bên ngoài. Vì vậy khi học tập đạt kết quả không như mong muốn hoặc bị bạn bè tẩy chay… cũng dễ xuất hiện các rối loạn tâm thần. Nhóm tuổi già với sự lão hóa do tuổi tác, sự cô đơn, nhiều bệnh cơ thể… là những yếu tố nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm ở người già, sa sút trí tuệ.